Tiêu chuẩn Chất lượng Phân bón – Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia 2019

tiêu chuẩn chất lượng phân bón

Ngày 28 tháng 9 năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư về Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Tiêu chuẩn chất lượng phân bón, mã số: QCVN 01-189:2019/BNNPTNT

Quy chuẩn này quy định về phân loại, chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế, phương pháp thử và yêu cầu quản lý đối với phân bón trong quá trình sản xuất phân bón, buôn bán phân bón và nhập khẩu phân bón.

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón tại Việt Nam.

Sau đây là một số thông tin chính của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng phân bón

Nguyên tắc chung về quản lý chất lượng phân bón

Việc quản lý chất lượng phân bón (bao gồm sản xuất trong nước, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường) phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về quản lý phân bón; đảm bảo minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán và người tiêu dùng.

Phân bón nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi thông quan và phải tuân theo các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, pháp luật về quản lý phân bón.

Quy định về chứng nhận hợp quy đối với phân bón

Việc chứng nhận hợp quy đối với phân bón được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cụ thể như sau:

Phương thức 5: thử nghiệm mẫu điển hình kết hợp đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.

Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức này là 3 năm và thực hiện đánh giám sát theo tần suất tối đa 12 tháng một lần. Đánh giá giám sát và đánh giá lại phải lấy mẫu toàn bộ phân bón đã chứng nhận hợp quy và thử nghiệm 100% chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và yếu tố hạn chế theo quy định tại Phụ lục IV của Quy chuẩn này.

Phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô phân bón.

Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị cho lô phân bón được đánh giá. Phương thức này áp dụng cho phân bón nhập khẩu.

Quy định về công bố hợp quy đối với phân bón

Phân bón nhập khẩu công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định. Phân bón sản xuất trong nước công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định hoặc dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân có phân bón công bố hợp quy.

Việc thử nghiệm chất lượng phân bón phục vụ chứng nhận và công bố hợp quy theo quy định tại Quy chuẩn này phải được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm đã đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh là cơ quan thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký công bố hợp quy, ra Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy và tổng hợp, gửi báo cáo định kỳ hàng năm trước ngày 15 tháng 12 hoặc đột xuất theo yêu cầu cho Cục Bảo vệ thực vật.

Xem chi tiết QCVN về Tiêu chuẩn chất lượng Phân bón: TẠI ĐÂY

Theo Cục bảo vệ Thực vật
www.chungvisinh.com