Chế phẩm sinh học Trichoderma dùng làm thuốc trừ sâu sinh học

chế phẩm sinh học Trichoderma, nấm trichoderma đại học cần thơ, cách sử dụng nấm trichoderma

Chế phẩm sinh học Trichoderma dùng làm thuốc trừ sâu sinh học

Ứng dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng đang phát triển mạnh hiện nay trong đó chế phẩm sinh học Trichoderma là một trong các ứng dụng được xem là phổ biến vì chi phí thấp, cách sử dụng đơn giản và nhất là hiệu quả đem lại rất thuyết phục.

Chế phẩm sinh học Trichoderma có chứa nấm Trichoderma. Đây là loài nấm đối kháng có tác dụng mạnh trong việc thúc đẩy quá trình phân hủy hữu cơ diễn ra nhanh chóng. Ngoài ra, chế phẩm Trichoderma cũng cho phổ tác dụng rộng và được ứng dụng trên nhiều loại cây trồng.

Nấm Trichoderma có trên 33 giống; tuy nhiên, tựu chung đây là một loài nấm có đặc tính đối kháng với một số loài nấm bệnh trong đất qua tác dụng phân hủy và hấp thu vách tế bào các loài nấm có hại. Ngoài ra, Trichoderma còn giúp thúc đẩy tiến trình phân giải chất hữu cơ nhanh hơn nên khi dùng để ủ phân chuồng, phân xanh sẽ rút ngắn thời gian hoai mục.

Hiện nay, nhiều loại chế phẩm sinh học Trichoderma đã được đưa vào sản xuất và được nông dân sử dụng đánh giá có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa các loại nấm hại như Fusarium, Rhizoctonia, Phytopthora … vốn thường gây bệnh trên cây có múi và cây rau họ bầu, bí. Chính vì vậy mà các chế phẩm có chứa nấm Trichoderma ngày càng được lưu hành, sử dụng nhiều hơn; đặc biệt các vườn trồng  chanh ở Bến Lức hoặc các ruộng trồng dưa hấu ở Tân Trụ.

Tác dụng nổi bật của chế phẩm sinh học Trichoderma:

  • Chống được các loại nấm bệnh cây trồng gây bệnh thối rễ, chết yểu, xì mủ,… do các nấm bệnh gây nên (Rhizoctonia solani, Fusarium solani, Phytophtora, Sclerotium rolfsii…);
  • Tạo điều kiện tốt cho vi sinh vật cố định đạm sống trong đất phát triển;
  • Sinh tổng hợp các enzyme cellulase, chitinase, protease, pectinase, amlylase nên có khả năng phân giải tốt các chất xơ, chitin, lignin, pectin trong phế thải hữu cơ thành các đơn chất dinh dưỡng, tạo điều kiện cho cây hấp thu được dễ dàng;
  • Kết hợp với phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất xốp hơn, chất mùn nhiều hơn, đất trồng có độ phì cao hơn;
  • Hạn chế việc sử dụng các phân bón hoá học và thuốc trừ sâu hoá học độc hại;
  • Có thể sử dụng kết hợp với một số chế phẩm vi sinh khác để sản xuất chế phẩm microfost phân hủy phân hầm cầu, và xử lý đáy ao hồ nuôi tôm cá, khử mùi hôi ở bãi phân, chuồng trại, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phối trộn để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học, tăng cường khả năng chống nấm bệnh gây hại hệ thống rễ cây trồng và cải tạo đất.

Nông dân sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma trong quy trình trồng dưa hấu ở Tân Trụ đều có chung nhận định là các ruộng dưa giảm đáng kể tỷ lệ dưa gặp các bệnh chết cây con, chạy dây và cháy lá so với trước đây.

Một số khảo sát thực địa ghi nhận việc sử dụng chế phẩm Trichoderma trên cây dưa hấu có thể giúp giảm 60-90% tình trạng dưa chết cây con, giảm 15-30% bệnh chạy dây do Fusarium và 10-15% bệnh cháy lá do Phytopthora. Còn với các vườn chanh ở Bến Lức thì ghi nhận việc sử dụng Trichoderma có thể giúp giảm đến 80 % chanh bị thối rễ, chết nhánh.

Xem thêm:

Tiềm năng ứng dụng của chế phẩm sinh học Trichoderma

Để có thể phát huy tác dụng của nấm Trichoderma một cách tốt nhất thì yêu cầu nông dân cần thực hiện đúng và đầy đủ các hướng dẫn sử dụng; trong đó, do Trichoderma là vi sinh vật sống nên phải có thời gian cách ly với vôi và các loại thuốc bảo vệ thực vật trừ nấm từ 7-10 ngày;  đồng thời, nấm cần có nguồn phân hữu cơ như nguồn dinh dưỡng để các bào tử nấm phát triển mạnh.

Cụ thể như khi trồng dưa hấu, sau khi làm đất và xử lý vôi thì tốt nhất là 10 ngày sau mới đưa nấm Trichoderma đã được ủ với phân hữu cơ rãi đều trên các luống trồng, rồi sau đó cho tưới, đặt màng phủ nông nghiệp và gieo hạt giống trực tiếp hoặc đặt cây con đã bầu sẳn. Tương tự trên cây chanh, Trichoderma được đưa vào đất khi lên mô và bổ sung vào các lần bón phân thúc.

Thông qua tác dụng phòng ngừa một số bệnh hại nên nấm Trichoderma giúp giảm một phần thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, giúp cây trồng sinh trưởng khỏe, giúp đất tơi xốp, giữ độ phì đất lâu dài và cho sản phẩm sạch, an toàn nên có thể khẳng định chế phẩm sinh học Trichoderma sẽ được ứng dụng rất rộng rãi trên nhiều loại cây trồng trong thời gian tới.

Báo Long An

www.chungvisinh.com